Tại sao trong cùng hoàn cảnh lịch sử, nhiều người Việt Nam ra đi tìm đường cứu nước, nhưng chỉ có Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình đối với Tổ quốc và đồng bào. Từ góc nhìn chính trị học, bài viết phân tích, luận giải các sự kiện và minh chứng lịch sử, làm rõ bí quyết thành công của nhà chính trị Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giành lại độc lập dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.
TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC TRÊN NỀN TẢNG TƯ DUY MỚI
Thứ nhất, không theo con đường cũ của những bậc tiền bối.
Trước sự thất bại của các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược (từ năm 1958 đến những thập niên đầu thế kỷ XX), nhiều người Việt Nam trăn trở tìm chọn, thử nghiệm con đường giành độc lập cho dân tộc và một số người đi ra nước ngoài mong tìm sự giúp đỡ của chính phủ các nước cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm(1). Sự khủng hoảng về con đường cứu nước và sự thất bại của các phong trào đấu tranh lúc này đã phản ánh sự bất lực của những “kịch bản” cứu nước theo con đường “cải lương”, “bạo động”, “cầu viện” ngoại bang…
Trong bối cảnh đó, nhận thức được yêu cầu lịch sử, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước(2). Từ kết quả nghiên cứu về Hồ Chí Minh những năm qua cho thấy, ngay từ lúc rời Tổ quốc ra đi, nền tảng tư duy chính trị của Nguyễn Tất Thành khác cơ bản với những người yêu nước đương thời. Một trong những biểu hiện tư duy mới là “trong lúc những thanh niên Việt Nam cùng lứa tuổi say sưa với phong trào Đông Du sang Nhật Bản thì Hồ Chủ tịch đã khước từ sự lựa chọn của Phan Bội Châu đối với mình và rời Tổ quốc ra đi về phía Tây”(3); nhận thức của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc về thế giới và đối tượng của cách mạng Việt Nam cũng trên lập trường và quan điểm mới so với các nhà yêu nước khác. Người không ảo tưởng trông chờ sự giúp đỡ từ các nước đế quốc thực dân. Trong một bức thư gửi những người bạn cùng làm việc trong toà báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta”(4).
Dù rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối, nhưng Nguyễn Tất Thành đã nhận ra những hạn chế của họ trong việc xác định nhiệm vụ lịch sử, mục tiêu, đối tượng cách mạng; nhận ra những hạn chế về phương thức, phương pháp đấu tranh, về nhận thức “bạn - thù” của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở Việt Nam. Do đó, Nguyễn Tất Thành đến nước Pháp không phải để cầu viện hay cầu học, mà “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(5). Một sự khác biệt lớn giữa Nguyễn Ái Quốc với các nhà yêu nước lúc đó là xác định phương pháp cách mạng không phải là “bạo động” hay “cải lương” mà “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(6). Như vậy, trên nền tảng tư duy mới, Nguyễn Ái Quốc đã xác định phương hướng hành động và phương pháp hành động cách mạng phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Như vậy, “Khi còn ở trong nước, Nguyễn Tất Thành tuy chưa nhận thức được đặc điểm của thời đại, nhưng từ thực tế lịch sử, Anh đã thấy rõ con đường của các bậc cha anh là cũ kỹ, không đem lại kết quả, Anh phải đi tìm một con đường mới”(7).
Thứ hai, cứu nước trên nền tảng tư duy chính trị thực tiễn.
Tìm đến văn minh Phương Tây (trong lúc chủ trương “Hướng Đông” đang rất phổ biến) là lựa chọn có tính bước ngoặt thể hiện “sự nhạy cảm chính trị” đặc biệt. Nguyễn Tất Thành kể lại “Vào trạc tuổi 13 lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái - đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng được coi là người Pháp - thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp”(8).
Nguyễn Tất Thành đến Pháp là để tìm hiểu nước Pháp, để từ đó lý giải về sự xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam. Điều này phản ánh tư duy thực tiễn của nhà cách mạng trẻ tuổi: Muốn tìm hiểu tận gốc kẻ thù đang áp bức nô dịch đất nước mình, để từ đó có phương pháp và vũ khí thích hợp đánh đuổi chúng.
Khi bàn về con đường cứu nước của Phan Bội Châu, có ý kiến cho rằng, mặc dù Cụ đã nhìn thấy “muốn cứu nước phải có lực lượng, phải xây dựng sự đồng tâm hiệp lực của đồng bào cả nước. Cụ ra sức thức tỉnh mọi người để xây dựng khối đoàn kết dân tộc và cũng thấy rõ năm, mười nghìn tên thực dân không thể nào đương đầu lâu dài với cả một dân tộc đồng tâm nhất trí. Nhưng Cụ không thể nào xốc cả một dân tộc đứng dậy được... Phan Bội Châu cũng đã thấy được tầm quan trọng của sự viện trợ quốc tế, nhưng nếu có thoát khỏi quan niệm đồng văn đồng chủng hoặc đồng bệnh tương liên thì Cụ cũng chưa thể nhìn thấy đâu là lực lượng có thể tranh thủ được. Cụ mong lợi dụng sự mâu thuẫn giữa bọn đế quốc, nhưng chính Cụ và tổ chức yêu nước của Cụ đã bị sự câu kết giữa chúng làm cho khốn quẫn”(9).
Thực tế cho thấy, tư tưởng chính trị của Nguyễn Tất Thành từ lúc còn trẻ và xuyên suốt hành trình tìm đường giải phóng dân tộc, không phải là sự tiếp tục - tiếp nối tư duy chính trị đương thời để giải quyết vấn đề đặt ra từ những “thất bại” của các nhà yêu nước tiền bối, mà là một hình thái tư tưởng chính trị mới dựa trên nền tảng tư duy chính trị có tính thực tiễn cao. Từ đó hình thành nhiều quan điểm chính trị khác những nhà cách mạng thế hệ trước như: yêu nước gắn liền với thương dân - “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (10); học hỏi các nền văn minh để chống lại hành động xâm lược của các nước văn minh; đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc gắn liền với xây dựng một xã hội mới, một nhà nước mới tiến bộ và tốt đẹp hơn... Tư duy chính trị mới của Nguyễn Tất Thành là nền tảng, lập trường chính trị để Người thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình và trở thành Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, “để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại và trong lịch sử của đất nước”(11) .
ĐỔI MỚI CĂN BẢN QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ TRYỀN THỐNG
Từ bỏ quan điểm “Trung Quân, Ái Quốc”, xác lập quan điểm “Trung với Nước, Hiếu với Dân” - Yêu nước gắn liền với thương dân.
Những người Việt Nam mang chí hướng giải phóng dân tộc lúc bấy giờ đều có một điểm chung là lòng yêu nước sâu sắc, nhưng ở Nguyễn Tất Thành tình cảm yêu nước gắn liền với lòng thương yêu nhân dân. Vì vậy, mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của Nguyễn Tất Thành là tìm con đường giành độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân - Độc lập dân tộc gắn với hạnh phúc của nhân dân là tiêu chí cơ bản để Nguyễn Tất Thành lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam.
Hồ Chí Minh đã đặt nền móng đổi mới tư tưởng chính trị Việt Nam truyền thống - thay đổi nền tảng chính trị phong kiến: “Trung Quân, Ái Quốc” bằng quan điểm chính trị mới “Trung với Nước, Hiếu với Dân” (theo GS. TS. Ahn Kyong Hwan, Trường Đại học Chosun, Hàn Quốc: “tinh thần yêu nước, thương dân, yêu dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân vật vĩ đại nhất xứng đáng là tấm gương cho tất cả các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới”(12); thay đổi quan điểm “Hướng Đông” với lý do “Đồng văn Đồng chủng” bằng tư duy chính trị thực tế, hướng tới tư tưởng chính trị dân chủ hiện đại, gắn chính trị với thực tiễn kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và xu thế quốc tế với những giá trị cốt lõi đảm bảo cho công cuộc giải phóng dân tộc thành công, mở đường cho xây dựng một chế độ xã hội mới ở Việt Nam.
Thực tế lịch sử cho thấy những quan điểm chính trị truyền thống của các sĩ phu phong kiến trong phong trào Cần Vương, hoặc tư tưởng lập hiến, tư tưởng dân chủ tư sản của Phan Bội Châu, hay tư tưởng cải lương của Phan Chu Trinh... đã hạn chế nhận thức của nhiều nhà yêu nước về nhiệm vụ lịch sử của đất nước đặt ra, hạn chế về tầm nhìn chính trị của các thủ lĩnh lãnh đạo phong đấu tranh giải phóng dân tộc ở thời kỳ này. Vì vậy những quan điểm chính trị truyền thống lúc đó đã không còn thuyết phục đối với Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh.
Xác lập tư tưởng chính trị giải phóng dân tộc trên nền tảng thực tiễn Việt Nam.
Tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam được xác lập trên nền tảng thực tiễn, với một hệ thống lý luận hoàn bị, từ tính chất dân tộc dân chủ của cuộc cách mạng đến phương hướng chiến lược của cách mạng; nhiệm vụ của cách mạng (về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội); lực lượng làm cách mạng; lãnh đạo cách mạng; phương pháp cách mạng; quan hệ của cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, và tiếp đến là mô hình phát triển xã hội tổng thể của Việt Nam(13) sau khi đánh đuổi được quân xâm lược.
Tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh phản ánh sát thực đặc điểm lịch sử xã hội Việt Nam; phản ánh sức mạnh to lớn từ những truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam như: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và chế độ cộng sản có thể áp dụng vào cuộc cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa, nhưng đồng thời cũng chỉ rõ “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được... Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(14).
Tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Nhưng nhân dân phải được giác ngộ, phải được tổ chức và được lãnh đạo bằng một đảng tiên phong với đường lối đúng đắn thì mới trở thành lực lượng có sức mạnh to lớn. Muốn cách mạng thắng lợi “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(15); để xây dựng Đảng Cộng sản, trước hết phải giải quyết tốt vấn đề nhận thức tư tưởng, chính trị và phương pháp tổ chức cho những người yêu nước; phải giác ngộ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam theo lập trường cách mạng vô sản.
Trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, vấn đề giai cấp, dân tộc và lập trường giai cấp, dân tộc được xác định rõ ràng, sát với thực tiễn Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đó là, trong xã hội có giai cấp, mỗi người đều đứng trên lập trường một giai cấp nhất định. Người cách mạng phải đứng trên lập trường của giai cấp công nhân. Theo quan điểm của Hồ chí Minh, giai cấp - dân tộc là một thể thống nhất biện chứng, không có giai cấp nào nằm ngoài dân tộc. Vì vậy, khi xem xét, đánh giá ý thức giai cấp của các tầng lớp xã hội và của cá nhân phải đặt trong mối quan hệ với ý thức dân tộc của các tầng lớp và cá nhân ấy. Do đó đòi hỏi nhận thức về vấn đề giai cấp, đấu tranh giai cấp phải đúng đắn. Hồ Chí Minh khẳng định cuộc đấu tranh giai cấp ở Việt Nam không diễn ra giống như ở phương Tây.
Về xác định lực lượng cách mạng, tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh phân biệt rõ các thang bậc giai cấp, tầng lớp xã hội trên cơ sở lợi ích và thái độ chính trị của giai cấp, tầng lớp xã hội trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Từ đó, hình thành quan điểm giai cấp đúng đắn, tạo cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung mọi lực lượng có thể để đánh bại quân xâm lược.
Vấn đề chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng; vấn đề nhà nước có ý nghĩa quan trọng đặc biệt về phương diện lý luận cũng như về phương diện thực tiễn của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX bao hàm cả sự khủng hoảng quan điểm về nhà nước và thiết chế nhà nước.
Từ cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện lập trường chính trị về kiểu cách mạng và kiểu nhà nước, về thiết chế chính trị và thể chế dân chủ. Năm 1919, thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam tại Pháp, Người gửi đến Hội nghị Vécxây bản Yêu sách của nhân dân An Nam, bao gồm 8 điểm. Trong đó, ngoài những điểm liên quan đến quyền dân tộc tự quyết và quyền con người, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập đến vấn đề pháp quyền và đòi hỏi phải “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương... Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”(16).
Trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, sau khi đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là chung của toàn thể dân tộc, chỉ trừ bọn tay sai đế quốc và những bọn phản quốc... còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam đều được một phần tham gia giữ chính quyền, có một phần nhiệm vụ giữ và bảo vệ chính quyền ấy... không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xôviết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập chính phủ dân chủ cộng hoà(17); quan điểm đó tiếp tục được thể hiện trong Thư gửi đồng bào toàn quốc (1944): “Chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”(18).
Hồ Chí Minh đã thể hiện sự sáng tạo không chỉ trong việc quán triệt tư tưởng về nhà nước kiểu mới, mà còn thực thi kịp thời quan điểm đó trong tiến trình giải phóng dân tộc, tạo nền tảng cơ bản huy động ở mức cao nhất sức mạnh toàn dân để kháng chiến và kiến quốc thắng lợi.
THÀNH CÔNG CỦA NHÀ CHÍNH TRỊ HỒ CHÍ MINH
Thứ nhất, tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc đã đáp ứng hai nhiệm vụ lịch sử đặt ra: 1) đánh đuổi thực dân xâm lược, giành độc lập cho dân tộc; 2) xoá bỏ chế độ phong kiến, giành lại dân chủ cho nhân dân. Chính trị Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng về con đường cứu nước, cứu dân đặt ra từ nửa cuối thế kỷ XVII và tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh trở thành giá trị cốt lõi của đời sống chính trị Việt Nam, trở thành văn hóa chính trị Việt Nam thời kỳ hiện đại.
Thứ hai, Hồ Chí Minh đã xác lập nền tảng chính trị cho sự đoàn kết xã hội Việt Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm… đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”, thiết lập một chế độ chính trị hiện đại - nền Cộng hòa Dân chủ Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
Thứ ba, chính trị Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận xây dựng Nhà nước Việt Nam mới vận hành theo phương châm “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh… phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy”.
Thứ tư, tư tưởng chính trị - pháp lý Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận Lập Hiến của nước Việt Nam mới, định hướng cho xây dựng các bản Hiến pháp Việt Nam sau này - đảm bảo quyền tự do dân chủ của nhân dân Việt Nam; tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân với một chính thể dân chủ rộng rãi, một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân bằng sức mạnh của Hiến pháp.
Nhìn tổng quát, thành tựu vĩ đại của nhà chính trị Hồ Chí Minh là lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện thắng lợi việc xóa bỏ sự nô dịch của ngoại bang; đánh đổ chế độ phong kiến phi dân chủ; lập nên chế độ dân chủ cộng hòa, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu hướng tới. Sự nghiệp chính trị của Hồ Chí Minh đã tạo những “dấu ấn” phát triển trong tiến trình vận động của Việt Nam và thế giới. Do đó, Hồ Chí Minh nhận được sự tôn vinh nhất quán, bền vững không chỉ của người Việt Nam, mà cả một bộ phận rất lớn nhân dân thế giới. Vì vậy, nhiệm vụ khoa học đặt ra là phải tiếp tục nghiên sáng tỏ hệ thống những di sản và những “bí quyêt” dẫn đến thành công của nhà chính trị Hồ Chí Minh./.
Theo tuyengiao.vn