Trong quá trình hình thành phát triển, truyền bá, vận dụng và phát triển của bất kỳ học thuyết, lý luận nào cũng là một quá trình phức tạp, nhiều biến đổi, phân hóa, có sự hiểu đúng và hiểu sai, có sự đấu tranh lẫn nhau trong cùng một khuynh hướng, trường phái, có cả bên trong, lẫn bên ngoài

Ở những thời điểm bước ngoặt, có nhiều thay đổi, cái cũ cái mới đan xen nhau tồn tại, sự biến chuyển xã hội có nhiều phức tạp, thì tư tưởng, nhận thức, thái độ cũng thường có nhiều vấn đề đặt ra nhiều chiều, cần giải quyết.

Sự khác nhau giữa những “quan điểm sai trái, thù địch” với những ý kiến khác với quan điể m, đường lối của Đảng, biểu hiện ở sự khác nhau trong quá trình nhận thức những vấn đề liên quan đến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước; nên cần nhận dạng đúng đắn, tranh luận khoa học, phê phán và phát triển.

Trong đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, cần phân biệt những hiểu sai, chưa đúng của những người thành tâm với những người có động cơ làm sai lạc, hoặc xuyên tạc lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng ta. Chúng ta cũng cần quan tâm trao đổi, thảo luận hơn nữa với những ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân khác với quan điểm, đường lối của Đảng, tránh “vơ đũa cả nắm”, có phân biệt rõ mới xác định thái độ và phương pháp đấu tranh phù hợp. Trong nhận thức những vấn đề liên quan đến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong cán bộ, đảng viên, không tránh khỏi có những ý kiến khác nhau và khác với quan điểm, đường lối của Đảng. Đó cũng là lẽ bình thường vì nhận thức là một quá trình, chân lý cũng là một quá trình. Do địa vị xã hội, lợi ích cụ thể khác nhau, trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị khác nhau, kinh nghiệm thực tiễn khác nhau hoặc do thiếu thông tin, phương pháp tư duy giản đơn, siêu hình, nên không tránh khỏi có những ý kiến, cách tiếp cận khác với đường lối, quan điểm của Đảng. Nhưng phải coi những ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng là những ý kiến trong nội bộ Nhân dân, không thể quy chụp thành những quan điểm thù địch.

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta khuyến khích đổi mới tư duy, khuyến khích tìm tòi sáng tạo cái mới, đóng góp những ý tưởng mới, sáng kiến mới. Đảng và Nhà nước yêu cầu các nhà nghiên cứu, giảng dạy lý luận, các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học phải đề xuất cái mới, phải có những giải pháp đột phá sáng tạo để đóng góp cho Đảng và Nhà nước. Những ý tưởng mới, sáng kiến mới thường vượt khỏi giới hạn của nhận thức cũ, vượt khỏi những chủ trương, quan điểm hiện hành khi đó, có khi về sau này mới được thực tiễn chấp nhận. Sự hình thành đường lối đổi mới đã cho chúng ta thấy như vậy. Nếu không có “khoán chui” thì không có “khoán 100”, “khoán 10” và rộng ra là đường lối đổi mới sản xuất nông nghiệp, đổi mới đất nước. Sự nghiệp đổi mới ở nước ta là một sự nghiệp mới mẻ, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Trong một sự nghiệp như vậy, như Lênin đã từng chỉ ra, khó tránh khỏi sai lầm. Vấn đề là ở chỗ không được phạm những sai lầm nghiêm trọng, phải nhanh chóng phát hiện sai lầm và kiên quyết sửa chữa sai lầm. Chúng ta phải vừa làm vừa học, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm, có cái phải mò mẫm, trải qua nhiều thử nghiệm.

Trong khi đó, các quan điểm sai trái, thù địch thì thường tập trung phủ nhận, bác bỏ thẳng thừng những nội dung cốt lõi, then chốt trong đường lối chính trị, quan điểm cơ bản của Đảng. Chúng thường tập trung tấn công vào nền tảng và tư tưởng của chúng ta, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng đả kích vào chủ nghĩa Mác-Lênin hòng làm lung lay nền tảng tư tưởng và đẩy chúng ta đi chệch quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Các thế lực thù địch tung ra đủ thứ lý luận nhằm bác bỏ chủ nghĩa cộng sản như: Du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử, chỉ đưa đến tai họa vì chủ nghĩa Mác-Lênin là tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống dân tộc. Họ còn cho rằng lý luận Mác-Lênin chỉ giải quyết vấn đề đấu tranh giai cấp, còn tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ giải quyết vấn đề đấu tranh dân tộc thuần túy, không thể áp đặt nguyên mẫu học thuyết Mác-Lênin vào Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế thị trường.

Chúng phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin với học thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm. Cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là người dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm phương tiện; đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử… Tiếp tục phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh khi chúng cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là người tiếp thu mù quáng chủ nghĩa Mác-Lênin chứ không hề có tư tưởng cao siêu. Từ đó họ phát động chiến dịch bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bôi nhọ danh nhân mà họ gọi là chiến dịch “hạ bệ thần tượng”. Gần đây chúng tung lên luận điệu “No Ho”, phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc công lao, sự nghiệp vĩ đại của Bác. Thâm độc hơn chúng tung ra luận điệu tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với học thuyết Mác-Lênin. Đây là một luận điệu hết sức nguy hiểm, vì như vậy sẽ làm suy yếu tư tưởng Hồ Chí Minh và thực chất là để phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tiến tới phủ định chính ngay tư tưởng Hồ Chí Minh, trái với Cương lĩnh của Đảng.

Tấn công vào đường lối của Đảng, vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phê phán triệt để, bôi đen chủ nghĩa xã hội hiện thực, bác bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, công khai ca ngợi con đường tư bản chủ nghĩa. Phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và bôi nhọ lãnh đạo. Chúng cho rằng Đảng có nhiều sai lầm trong quá khứ, cho dù trong quá khứ có làm nhiều thành tích thì đến thời đại mới đã hết vai trò lịch sử, không đủ khả năng để lãnh đạo đất nước. Phản bác quan điểm, Cương lĩnh của Đảng, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch đòi “từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là then chốt của chế độ dân chủ”.

Chúng xuyên tạc trong nội bộ Đảng ta vẫn duy trì cái gọi là chế độ tập trung dân chủ, mà hầu hết các Đảng Cộng sản trên thế giới đã từ bỏ, vì thế thực chất, sự tập trung quyền lực bao giờ cũng đưa tới chỗ triệt tiêu dân chủ… Đây là thủ đoạn dọn đường cho sự hình thành tư tưởng đa nguyên chính trị, phi chính trị hóa quân đội để vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng tìm mọi cách bịa đặt nói xấu cán bộ Đảng và Nhà nước, xuất hiện nhiều cuốn nhật ký, hồi ký, tài liệu tung ra chuyện giật gân trong sinh hoạt của các nhà lãnh đạo, đề cao người này, hạ thấp người kia, kích động, chia rẽ lãnh đạo cao cấp của Đảng, gây nghi ngờ, hòng mong chia rẽ Nhân dân với Đảng.

Các thế lực thù địch tìm mọi cách để tuyên truyền, phát tán những quan điểm sai trái của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng như cho xuất bản sách, báo ở nước ngoài, sản xuất băng đĩa hình, in truyền đơn rồi tìm cách chuyển về trong nước, sử dụng các đài truyền hình, phát thanh của nước ngoài (như RFI, BBC…) nhằm vào Việt Nam. Đặc biệt ngày nay dựa vào thành tựu của công nghệ thông tin hiện đại, các thế lực thù địch sử dụng mạng internet, các mạng xã hội (Facebook, Twitter…) các blog để tán phát rất nhanh, hữu hiệu quan điểm của họ vào Việt Nam và trên khắp thế giới.

Đối với các loại ý kiến trên đây chúng ta phải có thái độ và phương pháp đối xử đúng đắn, phù hợp. Đối với quan điểm sai trái, thù địch trong và ngoài nước, chúng ta phải đấu tranh, phê phán mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không mơ hồ, không thỏa hiệp. Các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta. Dã tâm của họ là không thay đổi.

Trong khi đó, là cán bộ, đảng viên, nếu có ý kiến khác hoặc trái với đường lối, quan điểm của Đảng có thể phản ánh lên cấp trên, cấp có thẩm quyền, có quyền bảo lưu ý kiến, hoặc trình bày, thảo luận trong các hội thảo khoa học, hội nghị nội bộ chứ không được tùy tiện phát tán trên các phương tiện thông tin đại chúng; đảng viên phải chấp hành Điều lệ Đảng và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm. Cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng, cần làm rõ đúng-sai thông qua đối thoại, trao đổi, tọa đàm, thuyết phục trên tinh thần đồng chí, tăng cường đoàn kết, đồng thuận, không đẩy họ về phía các thế lực thù địch mà cố gắng kéo giữ họ về phía chúng ta; chúng ta phê phán quan điểm sai chứ không phê phán con người, xúc phạm, đả kích cá nhân. Thông qua phê phán, chúng ta cũng phải xem lại mình, xem lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có chỗ nào không đúng, còn khiếm khuyết cần phải sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện; những nội dung nào thực hiện chưa tốt cần phải chấn chỉnh, thực hiện tốt hơn để giải tỏa bức xúc của Nhân dân và cán bộ, những nội dung nào có vấn đề hoặc chưa rõ cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, qua đó hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Như vậy sự phê phán đã chuyển thành tự phê phán, sự phê phán tiêu cực đã chuyển thành phê phán tích cực.

Nguồn Hương Sen Việt

Đăng bởi: quantri_thanhdoan

Tin tức liên quan