Một xã hội văn minh, tiến bộ bao giờ cũng dựa trên nền tảng cơ bản là tôn trọng, đề cao các giá trị chân-thiện-mỹ và tất cả những cá nhân, tổ chức làm nên các giá trị ấy. Một nền báo chí nhân văn bao giờ cũng lấy dòng chủ đạo thông tin người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội làm kim chỉ nam trong hoạt động tuyên truyền.

Bởi một trong những sứ mệnh của báo chí là nuôi dưỡng niềm tin cho công chúng, mang đến cho công chúng thông điệp tốt đẹp từ chính những tấm gương cá nhân, tập thể đã nỗ lực học tập, công tác tốt, tự nguyện cống hiến, hy sinh vì mục tiêu cao cả của cộng đồng, xã hội và đất nước.

Xã hội ta hiện nay có thiếu người tốt, việc tốt không? Chắc chắn người làm báo nào cũng hiểu rằng, với một đất nước hơn 90 triệu dân thì xã hội ta không những không thiếu người tốt, việc tốt, mà những tấm gương này thường xuyên xuất hiện ở mọi lĩnh vực, mọi hoạt động, mọi địa bàn, mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Hay nói cách khác, hầu như ở đâu có tổ chức, có hoạt động là ở đó có những con người tốt, việc làm tốt. Thế nhưng tại sao thời gian gần đây, trên nhiều mặt báo, nhiều trang điện tử, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình lại thưa thớt, thiếu vắng những nhân vật, những tấm gương đã góp phần làm nên những giá trị tiến bộ của xã hội? Phải chăng những người tốt, việc tốt thời nay không đủ sức lôi cuốn và làm lay động tâm can người cầm bút, cầm máy? Hay phải chăng một số cơ quan báo chí và người làm báo đã trở nên sao nhãng, thờ ơ, thậm chí lạnh lùng, vô cảm trước vẻ đẹp chân chính của những tấm gương người tốt, việc tốt? 

Không ai yêu cầu báo chí lúc nào cũng chỉ nói toàn điều tốt, điều hay trong xã hội. Vì nếu chỉ ca ngợi, "tô hồng" một chiều cũng dễ làm báo chí phai nhạt, suy giảm tính chiến đấu-vốn là một trong những chức năng của báo chí. Nhưng báo chí cũng không nên và rất cần tránh thông tin, tuyên truyền theo kiểu chỉ nhăm nhăm “săm soi” vào những mặt trái, tiêu cực của xã hội, khiến cho công chúng mỗi khi nhìn vào mặt báo, trang tin điện tử, hay khi nghe phát thanh, xem truyền hình lại có cảm giác bất an về xã hội. Nếu làm như vậy là báo chí đã vô hình trung “bôi đen” hình ảnh xã hội, gây ra tâm trạng hoài nghi, phân tâm lòng người và kéo theo hệ lụy là làm tâm thế xã hội bị rạn nứt-một trong những nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội.

Đừng đơn thuần nghĩ rằng, tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến sẽ ít người đọc, người nghe, người xem. Xét về bản tính của con người, ai cũng muốn học tập, tiếp thu những cái hay, cái tốt, cái đẹp của người khác. Quan trọng là người cầm bút, người cầm máy có đủ nhiệt huyết và tài năng để phác họa, lột tả được chân dung cũng như truyền tải thông điệp-thông qua những cử chỉ, việc làm, hành động cao cả của các tấm gương-đã mang đến cho xã hội, công chúng hay không. Trên thực tế, tự thân những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến đã có giá trị. Nhưng giá trị ấy sẽ có cơ hội phát huy, tỏa sáng khi được cấp trên và các cơ quan báo chí, nhà báo động viên, khích lệ kịp thời, đúng lúc. Vì được xã hội, cộng đồng và người khác tôn trọng, ngưỡng mộ là một trong những nhu cầu chính đáng của con người và đó cũng là động lực để người được khen ngợi, tôn vinh tiếp tục phấn đấu tốt hơn. Do vậy, việc báo chí thường xuyên quan tâm, coi trọng thông tin, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến không những góp phần làm cho "cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân” như Bác Hồ hằng mong ước, mà còn góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội mỗi ngày thêm lành mạnh, văn minh.

Theo tuyengiao.vn

Đăng bởi: quantri_thanhdoan

Tin tức liên quan